Tuổi mầm non, con lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, đến lớp với thầy cô và bạn bè, bao nhiêu là bỡ ngỡ, lạ lẫm... Con có rất nhiều “nỗi sợ” muốn chia sẻ với bố mẹ nhưng lại chưa thể diễn tả được chính xác cảm xúc của mình bằng lời nói. Cha mẹ cần hiểu được những diễn biến trong tâm lý trẻ mầm non để có thể đồng hành với bé.
1. Sợ bị bỏ đói
Trẻ mầm non tới lớp ăn theo giờ, trong khi ở nhà bé đói là sẽ được ăn ngay. Ở tuổi mà “ăn, ngủ” là nhu cầu sinh lý quan trọng bậc nhất thì việc bị đói sẽ dẫn đến phản xạ tự nhiên “sợ bị bỏ đói” mỗi khi bé đến trường.
2. Sợ bị ở một mình
Lần đầu tiên đến lớp mầm non - một không gian xa lạ, không có bố mẹ người thân, bé sẽ cảm thấy sợ hãi như chỉ có một mình, không ai bên cạnh chăm sóc.
3. Sợ bác sĩ ở trường, sợ cô hiệu trưởng, bác bảo vệ
Khá nhiều giáo viên thậm chí phụ huynh lấy “cô hiệu trưởng, bác bảo vệ” ra để “dọa” bé, buộc bé phải tuân theo kỉ luật lớp khiến bé thấy những người đó rất xa cách, rất đáng sợ. Lâu dần bé hình thành nỗi sợ hãi với trường học và không muốn đi học. Trường mầm non trở thành nỗi ám ảnh đối với bé.
4. Giải pháp gì cho cha mẹ?
Nếu trẻ có những biểu hiện: khóc khi đến giờ đi học, sợ hãi khi đến trường, cha mẹ cần quan sát, lắng nghe trẻ, tìm hiểu nhiều nguồn thông tin để biết chính xác bé đang gặp vấn đề gì.
Cha mẹ cần tránh nói những điều thể hiện sự thương xót con khi con mới đi học “khổ thân con tôi/ cháu tôi, bé thế này mà phải đi học; không biêt các cô ở trường có yêu thương con không”. Những điều này cho trẻ thêm hi vọng được ở nhà và chậm thích nghi với trường học.

Ảnh: Trẻ biểu diễn văn nghệ tại trường
Thay vào đó, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để chơi và nói chuyện với con. Những câu hỏi cụ thể về trường học: con được chơi trò gì, con học với cô nào, con có đói bụng không… sẽ giúp bé dễ dàng chia sẻ. Bên cạnh đó, cha mẹ cần khéo léo gợi mở cho con những điều thú vị mà ở trường học mới có. Dần dần bé sẽ hào hứng, vui vẻ mỗi khi đến trường mầm non.